138 Vũ Phạm Hàm, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VÀ BIẾN CHỨNG TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.

Nguy cơ này tăng nhiều hơn ở người bệnh Đái tháo đường (ĐTĐ) khi kèm các yếu tố lớn tuổi, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, tăng huyết áp, bệnh tim, rối loạn lipid máu hay có tiền sử đột quỵ, cơn thiếu máu não thoáng qua.

Nguy cơ đột quỵ ở người Đái tháo đường (ĐTĐ)

Theo Liên đoàn ĐTĐ thế giới, năm 2017, toàn cầu có khoảng 425 triệu người bệnh ĐTĐ. Ước tính đến năm 2045, con số này sẽ là 629 triệu. ĐTĐ là bệnh mạn tính, không lây, thường diễn tiến âm thầm và dễ dẫn đến các biến chứng về bệnh tim mạch, tổn thương thần kinh, mắt, thận... So với người bình thường, người bị bệnh ĐTĐ có nguy cơ đột quỵ cao hơn 2-4 lần và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.

Điển hình là một nam bệnh nhân 42 tuổi phát hiện tiểu đường cách đây 3 năm. Gần đây thấy đường huyết ổn định nên anh không tái khám mà tự uống thuốc theo toa cũ. Một lần ngủ dậy, anh đột ngột yếu nửa người phải đi cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán anh bị đột quỵ kèm theo tăng huyết áp, mỡ máu cao dù đường huyết vẫn trong giới hạn bình thường. Không ảnh hưởng tính mạng nhưng anh phải chịu di chứng yếu liệt nửa người.

Một trường hợp khác là bà N.T.N. (77 tuổi, trú tại Ân Thi, Hưng Yên) phát hiện ĐTĐ typ 2 và tăng huyết áp cách đây 8 năm, tai biến mạch máu não 7 lần. Cách đây 5 tháng bà N. xuất hiện các triệu chứng đau nhức, giảm vận động bàn chân 2 bên. Tuy nhiên, gần đây dấu hiệu đau nhức, giảm vận động bàn chân 2 bên tăng lên, sau khi được người nhà đưa tới khám tại bệnh viện, bà N. được yêu cầu nhập viện.

Sau khi thăm khám và chỉ định làm các xét nghiệm, chụp chiếu, bà N. được theo dõi và điều trị tại Khoa Tim mạch thông qua việc kiểm soát đường huyết, kiểm soát huyết áp, điều trị rối loạn mỡ máu, chống ngưng tập tiểu cầu kép, tăng tuần hoàn ngoại vi. Hiện tại sau 10 ngày điều trị đường huyết của bà N. đã được kiểm soát tốt, chân hết sưng, hết nóng đỏ, mạch mu chân và mạch chày sau bắt rõ, bệnh nhân đã tự đi lại (lúc vào viện bệnh nhân phải ngồi xe lăn). Đây chỉ là hai trong những bệnh nhân được các bác sĩ điều trị cho thấy tình trạng bệnh nhân bị ĐTĐ có tai biến tim mạch.

Một số biến chứng do đái tháo đường.

Nguyên nhân do đâu?

ĐTĐ là nguyên nhân gây nên tổn thương sớm ở tế bào nội mạc, làm rối loạn chức năng nội mạc mạch máu. Khi chức năng nội mạc bị rối loạn các phân tử mỡ dễ dàng chui qua lớp nội mạc vào trong, kết hợp với tăng khả năng kết dính và xuyên thành của tế bào bạch cầu vào trong lớp nội mạc hình thành mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch.

Ngoài ra, khi lớp nội mạc mạch máu bị tổn thương, sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho sự co mạch kết hợp với sự kết dính của tiểu cầu, hình thành nên cục huyết khối trong lòng mạch gây tắc mạch cấp tính, gây nên các cơn đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não. Tổn thương mạch máu não sẽ dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu não... tổn thương ở động mạch chi sẽ dẫn đến biểu hiện viêm tắc động mạch chi (đi cà nhắc cách hồi), hoại tử chi, cắt cụt chi...

Có nhiều yếu tố làm nặng nề thêm biến chứng tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ như: tuổi cao, tăng huyết áp; rối loạn lipid máu; béo phì; hút thuốc lá; ít vận động; tiền sử gia đình có người bị nhồi máu cơ tim. Khi các yếu tố này kết hợp với ĐTĐ sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch lên nhiều lần. Trong số các yếu tố làm tăng mức độ nặng nề của biến chứng tim mạch thì có 2 yếu tố không thể tác động được đó là tuổi cao và tiền sử gia đình; các yếu tố còn lại đều có thể tác động làm thay đổi được. Chính vì vậy, khi điều trị bệnh ĐTĐ không bao giờ được bỏ quên tác động vào các yếu tố nguy cơ này, đặc biệt là thói quen hút thuốc lá, ít vận động, do vậy nguy cơ tai biến là rất có thể nếu không được kiểm soát và điều trị bệnh đúng đắn.

Xác định bệnh và kiểm soát biến chứng

Đại đa số xảy ra đột ngột với các cơn đau đầu dữ dội, sốt, nôn, rối loạn ý thức, rối loạn hô hấp, trụy mạch, liệt nửa người, xuất huyết gây thay đổi về nhãn cầu, khiến mắt lệch lạc không đúng vị trí, phản xạ đồng tử đối với ánh sáng bình thường. Tai biến mạch máu não có thể biến chứng nặng dẫn đến tăng glucose máu, tăng huyết áp, tắc động mạch phổi, thay đổi tái phân cực, ngừng tim.

Dựa trên các yếu tố nguy cơ như thừa cân, béo phì, có cuộc sống tĩnh tại, ít vận động, hút thuốc lá, gia đình có người bị ĐTĐ, phụ nữ sinh con lớn hơn 4kg... cần phải kiểm tra đường huyết để xác định sớm bệnh. Khi đã có những biểu hiện bệnh như sút cân nhanh chóng, khát nước nhiều, ăn nhiều, đi tiểu nhiều, mệt mỏi, rụng tóc, rối loạn kinh nguyệt, chóng mặt, mất ngủ... cần phải đi khám bệnh ngay. Tại các cơ sở y tế, bác sĩ sẽ tiến hành đo nồng độ glucose huyết tương ngẫu nhiên hoặc nồng độ glucose huyết tương lúc đói. Kết quả này được khẳng định lại bằng xét nghiệm lần thứ 2.

Xác định TBMMN dựa trên những biểu hiện lâm sàng của bệnh và trên hình ảnh chụp CT não có tổn thương hoặc nhồi máu ổ khuyết. Cũng cần phần biệt bệnh nhân TBMMN não do các nguyên nhân khác như u não, bệnh van tim, bệnh máu, do dùng thuốc chống đông, phẫu thuật tạo hình, dị dạng mạch máu não...

Lời khuyên của thầy thuốc

Tất cả các bệnh nhân ĐTĐ đều phải được theo dõi chặt chẽ đường huyết, chỉ số đông máu, chỉ số cholesterol, triglycerid, huyết áp. Người bệnh cần tuân thủ nguyên tắc điều trị của bác sĩ. Nhất thiết các bệnh nhân này cần ăn nhạt, hạn chế ăn đồ ngọt, ăn ít mỡ, không dùng phủ tạng động vật, không hút thuốc lá, hạn chế tối đa sử dụng các chất kích thích khác như rượu bia, cà phê... Nên có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin và chất xơ, đặc biệt là ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi. Bên cạnh đó cần thường xuyên tập luyện thể thao như đi bộ, kiểm soát cân nặng, điều trị các bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, điều trị các rối loạn chuyển hóa mỡ, hạn chế những thói quen không có lợi cho sức khỏe như hút thuốc lá, uống rượu, lười vận động, kiểm soát tốt cân nặng và có chế độ sinh hoạt hợp lý, khám định kỳ hàng tháng.

(Theo Báo Sức khỏe & đời sống - BS. Trần Đức)

1