Thuốc điều trị viêm khớp tự phát ở trẻ vị thành niên
Viêm khớp tự phát ở trẻ vị thành niên có thể trở nên nghiêm trọng và dẫn đến một số biến chứng. Do vậy, nắm rõ thông tin về thuốc và các phương pháp điều trị sẽ giúp phụ huynh chủ động hơn trong phòng ngừa và điều trị cho trẻ.
Viêm khớp ở trẻ em hay còn gọi là viêm khớp tự phát thiếu niên, viêm khớp vô căn (JIA). Đây là bệnh viêm khớp phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên (vô căn có nghĩa là chưa xác định được nguyên nhân).
Viêm khớp tự phát tập trung nhiều ở nhóm tuổi dưới 17 tuổi.
1. Viêm khớp cũng ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi
Viêm khớp bao gồm một nhóm bệnh gây đau, sưng, cứng và mất khả năng vận động ở các khớp. Cộng đồng y tế đã xác định được hơn 100 bệnh lý khớp khác nhau, tất cả đều có thể ảnh hưởng đến khớp nhưng cũng có thể gây đau, sưng và cứng ở các cấu trúc khác, như dây chằng, gân, xương, cơ, và thậm chí có thể ảnh hưởng đến các các cơ quan khác của cơ thể.
Viêm khớp không phải là chỉ "dành cho người già". Trẻ em và thanh thiếu niên cũng có thể bị viêm khớp. Viêm khớp tự phát tập trung nhiều ở nhóm tuổi dưới 17 tuổi và các bé gái có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với các bé trai.
2. Các triệu chứng điển hình viêm khớp tự phát ở trẻ
Các triệu chứng bao gồm đau và sưng khớp, cứng khớp đã xuất hiện trong ít nhất 6 tuần. Các triệu chứng khác có thể bao gồm thắt chặt các cơ và mô mềm, xói mòn xương, lệch khớp và thay đổi mô hình tăng trưởng. Cũng như các loại viêm khớp khác ở người lớn, viêm khớp tự phát ở trẻ có thể ảnh hưởng đến cột sống.
3. Chẩn đoán viêm khớp tự phát ở trẻ có thể là thách thức
Chẩn đoán không phải lúc nào cũng đơn giản và có một số tiêu chí nhất định để chẩn đoán JIA. Bác sĩ sẽ khám sức khỏe và chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng. Cần theo dõi các triệu chứng của trẻ trong ít nhất 6 tuần ban đầu, và sau đó trong 6 tháng sau khi bệnh khởi phát, bởi trong thời gian này, xác định các khớp liên quan (tình trạng khớp thay đổi tùy theo loại viêm khớp và các triệu chứng có thể thay đổi hàng ngày) sẽ giúp việc chẩn đoán chính xác hơn.
Chẩn đoán viêm khớp vô căn ở trẻ không phải lúc nào cũng đơn giản.
Viêm khớp tự phát có thể tấn công các khớp của cột sống, đặc biệt là ở cổ. Tuy nhiên, với một số loại bệnh thoái hóa đốt sống, phần lưng dưới cũng có thể bị ảnh hưởng.
Viêm khớp tự phát ở trẻ vị thành niên là một dạng rối loạn khớp phổ biến. Tuy nhiên, không phải mọi loại JIA đều ảnh hưởng đến tất cả trẻ em hoặc thanh thiếu niên.
Viêm khớp tự phát ở trẻ vị thành niên cần được chẩn đoán và điều trị cẩn thận bởi các bác sĩ chuyên khoa thấp khớp nhi khoa.
Đối với bệnh viêm khớp tự phát ở trẻ vị thành niên, mục tiêu chính của việc điều trị là duy trì mức độ hoạt động thể chất, xã hội và duy trì chất lượng cuộc sống tốt. Để đạt được những mục tiêu này, các bác sĩ khuyến nghị các phương pháp điều trị để giảm sưng, duy trì chuyển động đầy đủ ở các khớp bị ảnh hưởng, giảm đau và ngăn ngừa biến chứng.
4. Lựa chọn thuốc điều trị cho bệnh viêm khớp tự phát ở trẻ vị thành niên
Mặc dù chưa có phương pháp đặc hiệu để điều trị viêm khớp ở trẻ em nhưng nhiều loại thuốc và các lựa chọn điều trị có thể kiểm soát tình trạng viêm và các triệu chứng cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Nếu bệnh được phát hiện càng sớm càng giảm được nguy cơ xảy ra biến chứng.
Các thuốc NSAID như ibuprofen, naproxen hoặc naproxen natri... thường là loại thuốc đầu tiên được sử dụng.
Hầu hết các bác sĩ không điều trị cho trẻ em bằng aspirin vì có khả năng nó sẽ gây ra các vấn đề về chảy máu, đau dạ dày, các vấn đề về gan hoặc hội chứng Reye. Nhưng đối với một số trẻ em, aspirin với liều lượng chính xác (được đo bằng xét nghiệm máu) có thể kiểm soát các triệu chứng JIA một cách hiệu quả với ít tác dụng phụ nghiêm trọng.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là lựa chọn điều trị đầu cho viêm khớp tự phát trẻ em.
Nếu bác sĩ không cho phép sử dụng aspirin, các NSAID khác có sẵn như diclofenac và tolmetin sẽ được bác sĩ kê đơn. Các nghiên cứu cho thấy rằng những loại thuốc này có hiệu quả như aspirin nhưng ít tác dụng phụ hơn.
Lưu ý quan trọng: Khi dùng thuốc, tất cả các tác dụng phụ nếu gặp phải cần được thông báo cho bác sĩ để được xử lý thích hợp hoặc trong trường hợp cần thiết có thể thay đổi liều lượng thuốc hoặc chuyển sang dùng thuốc khác.
- Thuốc chống viêm Corticosteroid
Một lựa chọn thuốc cho trẻ vị thành niên bị viêm khớp tự phát rất nặng, có thể cần các loại thuốc mạnh hơn để ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng như viêm tim (viêm màng ngoài tim). Corticosteroid như prednisone có thể được thêm vào phác đồ điều trị để kiểm soát các triệu chứng nghiêm trọng. Thuốc có thể được tiêm tĩnh mạch (trực tiếp vào tĩnh mạch) hoặc bằng đường uống.
Tuy nhiên, corticosteroid có thể gây ra một số tác dụng phụ như cản trở sự phát triển bình thường của trẻ, xương yếu và tăng nhạy cảm với nhiễm trùng. VÌ vậy, chỉ dùng thuốc theo chỉ định và theo dõi của bác sĩ.
Khi thuốc đã kiểm soát được các triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể giảm liều dần dần và cuối cùng là ngừng hẳn. Vì có thể nguy hiểm khi ngừng dùng corticosteroid đột ngột, nên người bệnh phải tuân thủ cẩn thận hướng dẫn của bác sĩ về cách dùng hoặc giảm liều.
- Thuốc chống thấp khớp DMARDs
Nếu NSAID không làm giảm các triệu chứng của JIA, bác sĩ có thể sẽ kê đơn loại thuốc này. DMARDs làm chậm sự tiến triển của JIA. Có nhiều loại DMARD, tuy nhiên, hiện nay thường lựa chọn sử dụng methotrexate cho trẻ em bị JIA.
Methotrexate an toàn và hiệu quả đối với một số trẻ em bị viêm khớp mà các triệu chứng không thuyên giảm bằng các loại thuốc khác. Biến chứng nghiêm trọng nhất có thể gặp phải khi dùng thuốc là tổn thương gan, nhưng có thể tránh được bằng các xét nghiệm kiểm tra máu thường xuyên và theo dõi của bác sĩ.
Theo dõi cẩn thận các tác dụng phụ là quan trọng đối với những người dùng methotrexate. Khi nhận thấy sớm các tác dụng phụ, bác sĩ có thể giảm liều và loại bỏ các tác dụng phụ.
Nếu các loại thuốc khác không giúp giảm đau, nhóm thuốc sinh học có thể hữu ích. Thuốc sinh học hoạt động trên các khu vực của hệ thống miễn dịch và trên các tín hiệu và con đường gây viêm và tổn thương khớp. Thuốc sinh học chính được sử dụng là etanercept, tuy nhiên infliximab và adalimumab thường được sử dụng cho trẻ em trong việc điều trị viêm khớp. Thuốc thường được sử dụng kết hợp với methotrexate.
5. Điều trị không phẫu thuật
Các phương pháp điều trị khác nhau có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh viêm khớp vô căn ở trẻ vị thành niên và duy trì khả năng vận động và chức năng.
- Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu và tập thể dục có thể giúp duy trì trương lực cơ và khôi phục/duy trì phạm vi chuyển động. Các chương trình điều trị sẽ được thiết kế phù hợp cho từng cá nhân trẻ.
- Các liệu pháp bổ sung và thay thế: Các liệu pháp bổ sung và thay thế bao gồm chất bổ sung, chế độ ăn, châm cứu, xoa bóp và các liệu pháp khác. Các liệu pháp này không thay thế việc điều trị y tế thông thường, nhưng có thể được thêm vào kế hoạch điều trị nếu bác sĩ chuyên khoa chỉ định.
Không có biện pháp điều trị đặc hiệu viêm khớp tự phát ở trẻ vị thành niên, phát hiện sớm và uống thuốc đúng chỉ định có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa các rủi ro liên quan.
BS. Nguyễn Kim Chi
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-dieu-tri-viem-khop-tu-phat-o-tre-vi-thanh-nien-169211021224211831.htm