138 Vũ Phạm Hàm, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội

Viêm họng nên kiêng ăn gì để nhanh khỏi?

Bên cạnh việc dùng thuốc, giữ vệ sinh mũi họng, người bệnh viêm họng cần kiêng những thực phẩm nào để bệnh nhanh khỏi?

Viêm họng là gì?

Viêm họng là hiện tượng lớp niêm mạc cổ họng bị viêm nhiễm và tổn thương do sự tác động của các yếu tố khác nhau. Trong đó phải kể đến như các loại vi khuẩn, virus, sự ô nhiễm của môi trường và hóa chất độc hại.

Bệnh thường gặp ở trẻ em, phụ nữ đang mang thai, người mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm amidan, viêm mũi, người bị cảm lạnh…

Khi bị viêm họng, người bệnh thấy đau trong cổ họng, đau khi nuốt, khô cổ họng…

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm họng do virut hay vi khuẩn, tình trạng viêm họng có thể đi kèm với một số triệu chứng khác như: Ho khan, nghẹt mũi; sốt; ớn lạnh; sưng hạch ở cổ; nhức đầu, ăn không ngon…

Người bị viêm họng không nên ăn gì?

Tình trạng viêm họng có thể trở nên nghiêm trọng và kéo dài dai dẳng khi người bệnh sử dụng các thực phẩm và thức uống gây kích thích niêm mạc. Dưới đây là một số thực phẩm người bệnh viêm họng nên hạn chế trong thời gian trị bệnh:

1. Thực phẩm nhiều dầu mỡ

Viêm họng nên kiêng ăn gì để nhanh khỏi? - Ảnh 2.

Người bệnh viêm họng không nên ăn những thực phẩm nhiều dầu mỡ.

Người bệnh viêm họng không nên ăn những thực phẩm chiên rán chứa nhiều dầu mỡ như gà rán, khoai tây chiên… vì gây kích thích niêm mạc họng, khiến tình trạng sưng viêm, đau rát trở nên nặng nề hơn.

Thức ăn chứa nhiều dầu mỡ vừa làm tăng về lượng vừa tăng độ quánh nhớt của chất nhờn do viêm họng, ứ đọng nhiều đờm đặc trong cổ họng làm cho người bệnh cảm thấy khó chịu.

2. Các món cay nóng

Khi bị viêm họng, niêm mạc họng sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Nếu ăn các món ăn cay nóng thì niêm mạc sẽ bị phù nề, sưng tấy, khiến tình trạng viêm họng càng trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy khi chế biến nên hạn chế các gia vị có tính nóng như ớt, gừng, tiêu, giềng, sả… trong các món ăn cho người bị viêm họng.

Các thực phẩm có nhiệt độ quá nóng cũng là nguyên nhân gây kích ứng cổ họng đang sưng, đau. Nên để đồ ăn nguội bớt rồi mới ăn để tránh làm tổn thương khu vực cổ họng vốn đang bị viêm.

3. Các món ăn lạnh

Viêm họng nên kiêng ăn gì để nhanh khỏi? - Ảnh 3.

Thức ăn lạnh như kem, chè... sẽ gây kích thích ho.

Họng là vị trí của ngã tư đường ăn và đường thở, là cửa ngõ của đường dẫn không khí vào phổi, dẫn thức ăn và nước uống qua thực quản xuống dạ dày. Vì vậy, họng là nơi rất thuận lợi cho vi sinh vật xâm nhập cơ thể để gây bệnh, đặc biệt là viêm họng cấp. Nếu liên tục ăn uống đồ lạnh trong thời gian dài, có thể làm nhiệt độ trong họng giảm thấp, dễ khiến người bệnh gặp nguy cơ bỏng lạnh, vòm họng xuất hiện nhiều chất dịch nhầy, kích thích ho.

Nếu đang bị viêm họng thì hãy tránh xa các thức ăn lạnh như kem, chè, nước đá lạnh…

4. Thực phẩm khô, cứng

Triệu chứng điển hình ở người bị viêm họng là vòm họng sưng, tấy đỏ và đau rát khi nuốt, chính vì vậy, người bệnh không nên ăn các thực phẩm khô cứng, giòn để tránh sự va chạm của thức ăn lên vùng tổn thương. Sự cọ xát của các loại đồ ăn cứng còn là nguyên nhân làm trầm trọng các vết sưng tấy, khiến tình trạng viêm họng lâu lành.

Ngoài ra, việc thường xuyên sử dụng các thực phẩm khô cứng và khó nuốt còn khiến cho niêm mạc họng bị chảy máu, ứ đờm và làm tình trạng khàn tiếng kéo dài.

Người bệnh nên tránh các món ăn như bánh mì giòn, bánh quy cứng, ngô, khoai chiên…

Khi bị viêm họng, cổ họng đang bị tổn thương nặng nề và nhạy cảm. Người bệnh nên chọn các đồ ăn mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa như cháo, súp… giúp hạn chế tình trạng kích ứng cổ họng. Thức ăn và đồ uống ấm cũng có thể giúp cổ họng dễ chịu hơn.

5. Thực phẩm có vị chua

Khi bị viêm họng, để tránh tình trạng bệnh dai dẳng kéo dài, người bệnh không nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều vị chua như chanh, quất, me, đồ muối chua…

Nguyên nhân là do lượng axit dồi dào trong các loại thực phẩm này có thể khiến niêm mạc họng bị kích thích và ăn mòn. Từ đó làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng đau rát họng, ho và khàn tiếng.

6. Đồ uống có cồn và chứa chất kích thích

Người bị viêm họng cần tránh uống rượu bia và các loại đồ uống có chứa cồn, đồ uống có chứa chất kích thích như caffe. Nguyên nhân là do ethanol và caffeine có trong các loại thức uống này rất dễ khiến cơ thể bị mất nước, tăng thân nhiệt. Đồng thời còn gây kích ứng niêm mạc hô hấp, làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng đau rát cổ họng, ho, ứ đờm, khàn tiếng…

Cần loại bỏ những thực phẩm này ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày và thay thế bằng các loại thức uống lành mạnh hơn như nước lọc, nước ép, sinh tố trái cây.

7. Không hút thuốc lá

Những người hút thuốc lá thường bị những cơn ho dai dẳng kéo dài, đờm nhiều trong cổ họng… rất khó chịu. Nguyên nhân do khói thuốc ảnh hưởng đến các tế bào niêm mạc lót cho cổ họng, cuối cùng làm giảm hiệu quả bảo vệ của niêm mạc, gây kích ứng và khô cổ họng. Khi bị viêm họng, nicotine, asen, chì và nhiều thành phần độc hại khác trong khói thuốc có thể tấn công và khiến niêm mạc hầu họng sưng viêm nhiều hơn. Nếu hút thuốc lá trong thời gian điều trị có thể làm nặng thêm các triệu chứng ho, ứ đờm, khản tiếng.

Các tác nhân gây nhiễm trùng niêm mạc họng như virus, vi khuẩn có thể lây lan sang amidan, thanh quản, VA hay niêm mạc xoang. Chính vì vậy, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì cần bổ sung thêm một số thực phẩm có khả năng chống viêm và kháng khuẩn để hỗ trợ tốt hơn cho quá trình điều trị như gừng, nghệ…

Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, kẽm, giàu đạm, uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và trái cây… cũng giúp người bệnh viêm họng bổ sung dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng.

BSCKI. Hà Duy Cường

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/viem-hong-nen-kieng-an-gi-de-nhanh-khoi-169210927210255203.htm

1